Truyền thuyết "Nam quốc sơn hà" Thánh Tam Giang

Câu truyện truyền thuyết nhắc tới Trương Hống, Trương Hát nhiều nhất là câu truyện về sự ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà – được cho là Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Truyền thuyết này là loại truyền thuyết anh hùng thường thấy trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết này được văn bản hóa sớm nhất ở sách Việt điện u linh (1329). Ngoài ra, truyền thuyết còn được ghi lại trong các bộ sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư và các sách sử khác như Việt sử tiêu án, Việt sử tiệp kính, trong các bộ sách khác như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí... Mặt khác, truyền thuyết này cũng sớm được lấy lại trong Lĩnh Nam chích quái và các sưu tập truyện cổ dân gian khác như Thiên Nam vân lục liệt truyện, Mã lân dật sử, các sách sử như Việt sử diễn âm,Việt sử quốc âm, Thiên Nam ngữ lục và các bản thần tích sưu tầm trước đây và hiện nay.[2]

Truyền thuyết về bài thơ Thần lần một

Năm Tân Tị niên hiệu Thiên Phúc (981), triều Lê, Tống Thái Tông sai tướng quân Nhân Bảo, Tôn Toàn đem binh xâm lược phương Nam đến cửa biển Đại Than. Vua Đại Hành cùng tướng quân Phạm Cự Lượng dựng lũy, cầm cự với giặc ở sông Đồ Lỗ. Lê Đại Hành đêm canh ba nằm mộng thấy thần nhân tới bái lạy trên sông. Thần kể sự tình lúc còn sống theo vua đánh giặc, chết được Thượng đế thương tình ban tên cho là Thần bộ quan (thủy thần), thống lĩnh tướng các âm binh. Nay giặc Tống sang xâm phạm bờ cõi, xin được cùng hoàng đế đánh giặc Bắc Tống để cứu sinh dân". Vua tỉnh dậy, lập tức thắp hương khấn vái xin được thần nhân trợ giúp, sau đó giết súc vật, đốt vàng mã làm lễ cúng tế. Đêm ấy, Đại Hành lại mộng thấy thần nhân thống lĩnh âm binh tiến đánh giặc. Canh ba, đêm tháng mười, trời đất tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng, quân Tống kinh hoàng, tháo chạy tán loạn, thần nhân ẩn mình trên không trung lớn tiếng ngâm thơ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư,
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Hội kiến thịnh trần tận tảo trừ.[3]

Sông núi nước Nam vua Nam ở,

Trời xanh đã định trong sách trời,
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm,
Sẽ gặp cuồng phong đánh tơi bời.

Quân Tống nghe bài thơ đó đánh giết lẫn nhau rồi mạnh ai người nấy chạy tháo thân về nước. Vua phong thưởng tướng sĩ rồi truy phong công lao hai thần. Một là Khước Địch đại vương, lập đền ở ngã ba sông Long Nhãn (hay Long Nhỡn,cũng là sông Thương?). Một là Uy Linh đại vương, lập đền ở ven sông Như Nguyệt".[2][4][5]

Truyền thuyết về bài thơ Thần lần hai

Xét Sử ký của Đỗ Thiện chép thời Nam Tấn Vương nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy ở Long Châu (Tây Long), đóng quân ở cửa Phù Lan (sông Lục Đầu), đêm ngủ mộng thấy hai người y quan kỳ vĩ, diện mạo khôi ngô, đến xin tòng quân trợ chiến. Sau khi Thần kể hết sự tình lúc sống theo Triệu Quang Phục đánh giặc, chết được Thượng đế thương vô tội chết chẳng phải mệnh, phong làm Thủy thần, thống lĩnh tướng các âm binh, hiệu là Thần Giang Đô Phó Sứ,đã từng trợ thuận Ngô Quyền trong chiến dịch Bạch Đằng vua tỉnh dậy, bảo đem cỗ rượu đến điện tế, khấn rằng: Quả có anh linh, hãy phù trợ chiến dịch này, nếu được thắng lợi, tức thì dựng miếu và phong tước, hương hỏa đời đời. Lại hôm khác, vua mộng thấy hai Vương đốc binh, bộ ngũ liên thuộc đều có mặt mày như quỷ thần cả, hàng ngũ rất nghiêm, bộ lạc rất chỉnh tề hội tại cửa Phù Lan. Binh ông anh đóng từ sông Vũ Bình đến sông Như Nguyệt tiến đến đầu nguồn sông Phú Lương; Binh ông em đi từ men sông Lạng Giang vào sông Nam Bình (sông Thương). Vua tỉnh dậy bảo với tả hữu, quả nhiên trận ấy được toàn thắng. Bình xong giặc Tây Long, vua sai Sứ chia chỗ lập đền thờ, đều phong làm Phúc Thần một phương, chiếu phong anh là Đại Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Như Nguyệt(cửa sông Cà Lồ, Ngã ba Xà, chỗ sông Cà Lồ đổ ra sông Cầu). Còn em là Tiểu Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Nam Bình (cửa sông Thương).

Thời vua Nhân Tông nhà Lý (1075), binh Tống nam xâm kéo đến biên cảnh; vua sai Thái uý Lý Thường Kiệt dựa bờ sông đóng cừ để cố thủ. Một đêm kia quân sĩ nghe trong đền có tiếng ngâm to rằng:

"Sông núi nhà Nam Nam đế ởPhân minh trời định tại thiên thư.Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm?Bọn chúng rồi đây sẽ bại hư."

Quả nhiên quân Tống chưa đánh đã tan rã. Thần mộng rõ ràng, mảy lông sợi tóc chẳng sai.[2][4][5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thánh Tam Giang http://baohungyen.vn/dat-va-nguoi-xu-nhan/201301/V... http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=15452 http://www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_conte... http://www.bacgiang.gov.vn/tro-giup/2433/Di-tich-x... http://www.bacgiang.gov.vn/tro-giup/2436/Di-tich-x... http://www.bacgiang.gov.vn/tro-giup/2439/Di-tich-x... http://www.bacgiang.gov.vn/tro-giup/2441/Di-tich-x... http://www.bacgiang.gov.vn/tro-giup/2442/Di-tich-x... http://www.bacninh.gov.vn/dukhach/Trang/Tin%20chi%... http://www.bacninh.gov.vn/huyenthithanh/thanhphoba...